SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC CỦNG CỐ CHỨNG CỨ, TÀI LIỆU, HÌNH ẢNH TRONG MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Hiện nay, đối với một số Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước bên cạnh những giá trị định lượng để áp dụng khung, thẩm quyền xử phạt thì còn có những quy định cần được người có thẩm quyền kiểm tra thu thập chứng cứ, tài liệu, hình ảnh chứng minh hành vi vi phạm phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong phạm vi bài viết, xin nêu một vài ví dụ sau:
Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế, được sửa đổi tại Điểm a, Khoản 16, Điều 2 của Nghị định số 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ có quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây “Không có khu vực riêng cho các sản phẩm không phải là thuốc hoặc không có biển hiệu tại khu vực riêng ghi rõ "sản phẩm này không phải là thuốc" hoặc để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật”;
Hay tại Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về An toàn thực phẩm được sửa đổi bởi Điểm a, Khoản 3, Điều 1 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ có nêu Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm”.
Hoặc cũng tại Nghị định này, Khoản 2, Điều 9 có nêu Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (a) Cống rãnh thoát nước thải bị ứ đọng; không được che kín; (b) Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy;(c) Không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Đối với các hành vi trên khi thực hiện kiểm tra, lập biên bản ghi nhận kết quả kiểm tra bên cạnh việc đương sự (tổ chức/cá nhân) ký xác nhận thì việc chụp ảnh thực tế lưu hồ sơ để củng cố chứng cứ, tài liệu phục vụ cho quá trình ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là hết sức cần thiết và phù hợp quy định của pháp luật.
Một số hình ảnh lực lượng QLTT kiểm tra, kiểm soát thị trường