Ban Chỉ đạo 389/PT: Thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng đầu năm 2024
Kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, ngay từ đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Thọ đã chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp chặt chẽ triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, trọng tâm là đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tập trung vào các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và các mặt hàng khác như mặt hàng vàng, đồ trang sức mỹ nghệ, đồ điện tử, điện lạnh, phân bón, thuốc lá, bia, rượu, nước giải khát, quần áo may sẵn các loại. Kết quả phát hiện, xử lý 6 tháng đầu năm 2024 các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý: 761 vụ ( giảm 112 vụ so với cùng kỳ năm 2023), trong đó: Buôn bán vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu: 42 vụ (tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ: 37 vụ (tăng 06 vụ so cùng kỳ năm 2023). Gian lận thương mại, gian lận thuế: 682 vụ (giảm 134 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Khởi tố: 30 vụ /160 bị can ( tăng 14 vụ, 133 bị can so cùng kỳ năm 2023). Đang giải quyết: 02 vụ/02 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp NSNN: 15.500.873.000 đồng (bằng 75% so với cùng kỳ năm 2023), cụ thể: Tiền xử phạt VPHC: 6.727.697.000 đồng (bằng 86% so cùng kỳ năm 2023); Tiền bán hàng tịch thu: 330.276.000 đồng (bằng 13% so cùng kỳ năm 2023); Tiền phạt bổ sung, truy thu thuế: 8.442.900.000 đồng (bằng 83% so với cùng kỳ năm 2023).
Nhờ sự nỗ lực của các ngành chức năng, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 khá ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, phục vụ sản xuất… không biến động nhiều, không xảy ra trường hợp đầu cơ, găm hàng, sốt giá, khan hiếm hàng hóa. Công tác phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả đã có bước chuyển biến tích cực, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại đã hạn chế đáng kể. Ngoài ra công tác thông tin, tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, báo điện tử…) hiệu quả, lan tỏa rộng rãi góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong kinh doanh.
Chủ động đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế và đời sống của người dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn, do chịu ảnh hưởng tình hình thế giới, giá xăng dầu biến động tác động đến giá cả các mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng. Các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn vi phạm mới và tinh vi hơn trước. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các hoạt động thương mại điện tử cũng ngày một phát triển mạnh hơn, kéo theo đó tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng trên không gian mạng cũng sẽ diễn ra nhiều hơn.
Đồng chí Lê Hùng - Phó Trưởng Ban thường trực, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo: trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục triển khai các Nghị quyết Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của cấp bộ ngành, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, thực hiện tốt các Kế hoạch đã được ban hành, tăng cường kiểm tra, quản lý tốt địa bàn, chủ động nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa; tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và các mặt hàng khác như mặt hàng vàng, đồ trang sức mỹ nghệ, đồ điện tử, điện lạnh, phân bón, thuốc lá, bia, rượu, nước giải khát, quần áo may sẵn các loại... để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Tiếp tục kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện các quy định về hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt trong việc lập hóa đơn bán lẻ xăng dầu cho khách hàng theo từng lần bán hàng.
Tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh, mua bán vàng, trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh vàng chấp hành quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép mặt hàng vàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; trao đổi, tập trung nâng cao hiệu quả phối hợp xử lý vi phạm, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; công khai số điện thoại, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 các cấp, bảo đảm tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo Quy chế của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản để phát hiện các đầu mối mới, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng hoá nhập lậu từ các tỉnh biên giới, các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái đi qua hoặc vào địa bàn tỉnh để có kế hoạch huy động và phối hợp với các lực lượng khác để kiểm tra.
Tuyên truyền, vận động các thương nhân kinh doanh trên địa bàn ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước, không kinh doanh hàng nhập lậu, không sản xuất, buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo ATTP; cam kết niêm yết giá và bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá niêm yết và thực hiện dán cam kết tại địa điểm kinh doanh.
Các lực lương phối hợp kiểm tra, kiểm soát địa bàn
Lực lượng QLTT tỉnh Phú Thọ kiểm tra, kiểm soát địa bàn