Giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I/2023
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 của tỉnh; Đồng chí Hà Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh.
Trong quý I/2023, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua các tuyến biên giới, cửa khẩu đất liền, đường mòn, lối mở biên giới, tuyến biên giới biển, cảng biển, các vùng biển và các địa bản nội địa trọng điểm tuy không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn.
Quý I, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý trên 28.000 vụ việc vi phạm (giảm 11,24% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 1.345 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 68,34% so với cùng kỳ năm 2022); gần 25.600 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 14,54% so với cùng kỳ năm 2022); trên 1.000 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 30,93% so với cùng kỳ năm 2022). Thu nộp ngân sách Nhà nước gần 3.400 tỉ đồng; khởi tố hình sự 278 vụ/679 đối tượng.
Tại tỉnh Phú Thọ, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại; chú trọng kiểm tra, kiểm soát đối với nhóm, mặt hàng tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2023. Quý I/2023, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý 358 vụ việc vi phạm. Tổng số tiền phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước là trên 5,1 tỉ đồng; khởi tố 11 vụ/13 bị can.
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần kiểm soát các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giúp ổn định thị trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí nhấn mạnh: Thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại; nhu cầu mua sắm hàng hóa, chăm sóc sức khỏe của người dân bằng hình thức trực tuyến, chuyển phát nhanh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng. Các đối tượng sẽ lợi dụng tình hình trên để tăng cường các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lượng lượng chức năng.
Do đó, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, sĩ quan tuyệt đối không tham gia bảo kê, bao chê, tiếp tay cho các hành vi vi phạm trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, phát huy thế mạnh của lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình mới hiện nay. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới để mỗi người dân trở thành người tiêu dùng thông minh.
Kết luận hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải yêu cầu các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, cấp huyện, thành, thị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị thành viên, tập trung nâng cao hiệu quả phối hợp xử lý vi phạm.
Cùng với đó, chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình, xác định tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, lĩnh vực, hoạt động nổi lên, nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhận thức đúng, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; công khai hộp thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng để các tầng lớp nhân dân biết, trao đổi, chia sẻ, tiếp nhận, xử lý kịp thời các tin báo qua đường dây nóng.
Lực lượng quản lý thị trường tăng cường, kiểm tra kiểm soát hàng hóa các cơ sở kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh.