Phú Thọ: Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường tại Kế hoạch số 888/KH-TCQLTT ngày 22/3/2021 về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025, Cục Quản lý thị trường Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-QLTTPT ngày 28 tháng 12 năm 2023 về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024, trong đó chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu lưu thông trên thị trường, qua đó bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính 30 vụ, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước 350 triệu đồng, buộc tiêu huỷ hàng hóa vi phạm trị giá 300 triệu đồng. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thuộc các nhóm hàng hóa gồm: may mặc, giày dép, túi xách, kính mắt, phụ kiện điện thoại của các thương hiệu nổi tiếng như: adidas, NIKE, UNIQLO, CHANEL, HERMÈS, GUCCI, Apple.. đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Cục QLTT Phú Thọ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh; triển khai quyết liệt các biện pháp:
Chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, nâng cao các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành rà soát, thu thập thông tin, nắm chắc tình hình, xử lý vi phạm, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp.
Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; Công bố, công khai rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của Cục QLTT tỉnh để người dân biết, từ đó kịp thời phản ánh, tố giác về hành vi vi phạm. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên địa bàn toàn tỉnh.
Chú trọng công tác đào tạo, bổ sung kiến thức nghiệp vụ cho công chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng kiểm tra xử lý vi phạm hành chính để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, chủ thể quyền nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.
(Một số hình ảnh kèm theo).